#10. Cặp lồng cơm trắng lên non tìm con chữ
Vắt vẻo nơi núi cao là hình ảnh những cô cậu học trò ngày ngày đến lớp cùng chiếc cặp lồng. Ở đồng bằng, đi học sẽ mang theo cặp sách, còn miền núi tập sách bố mẹ chẳng mua nổi cho con đâu, các con học sách ở trường được thầy cô chuẩn bị sẵn. Trường nào có thì lo cho các bé, trường nào nghèo quá thì lại tự chế dụng cụ học tập hoặc xin MTQ.
Sáng sáng, bọn trẻ cùng nhau đến lớp trong cái rét cóng người. Các bé cùng nhau băng qua núi cao, băng qua đồi trập trùng để đến trường học chữ. Hành trang mang theo là chiếc hộp nhựa trong đó đựng cơm trắng. Bé nào nhà khá giả tí thì còn được miếng rau, miếng đồ ăn. Bé nhà nghèo chỉ có mỗi cơm và cơm.
Miền núi thời tiết lạnh, cơm mang từ nhà đến trường rồi để đến trưa thì đã khô cứng, người lớn còn ăn không nổi chứ nói chi những em bé thơ. Các cô thấy vậy nên xin thêm mì tôm rồi nấu tại trường cho nóng lên để các con chan vào cơm ăn cho ấm bụng. Cứ như thế, tụi nhỏ lớn lên từng ngày. Hình ảnh cặp lồng gắn liền với ký ức tuổi thơ các con.
Chúng mình chẳng mong gì, chỉ mong những hình ảnh này sẽ không còn, những chiếc cặp lồng cơm kia sẽ được thay bằng cơm canh nóng hổi để miếng ăn của các bé thôi không nghẹn ngào. Nói là cặp lồng nhưng tất cả đều là hộp nhựa, dùng lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ tụi nhỏ.
Bạn ơi, chúng ta mỗi người một chút cùng giúp các em để những bữa ăn kia sẽ được thay bằng cơm nóng, canh ngọt có thịt có rau đủ đầy, để tuổi thơ các em vơi bớt thiệt thòi, thêm nhiều yêu thương. Chỉ cần 160/tháng thôi là bạn đã giúp được 1 bé ăn ngon rồi. Bạn cũng có thể chia sẻ bài viết này để biết đâu có ai đó sẽ cần, có ai đó sẽ dang tay cùng giúp các bé.
Ảnh: Bữa ăn cơm cặp lồng của trường MN Lao Chải, Yên Bái