#89. TRAO THANH XUÂN, GIEO TRI THỨC
Một ngày mù sương mình ghé vào thăm điểm trường Lùng Cúng, thuộc trường Mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đường vào trường bên núi cao, bên vực thẳm, đoạn gồ ghề, khúc trơn trượt khó đi vô cùng. Mình tốn hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nhìn khung cảnh đìu hiu, không ánh sáng điện, không sóng điện thoại, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ mà xốn xang trong lòng.
Điểm trường nhỏ lấp ló giữa núi rừng mờ sương. Không biết rồi các cô giáo ấy sinh hoạt ra sao, các con ở đây như thế nào giữa môi trường cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Chợ xa, đường đi khó, người ở thưa thớt, lỡ có chuyện gì cũng chẳng biết kêu ai.
Lúc thì một tuần, có khi thì vài tuần, vào mùa mưa có khi đến cả tháng các cô giáo mới ra bản để mua đồ ăn tươi vào cho các con rồi tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình. Lương thực chủ yếu là tự túc và đồ khô dự trữ.
Mình hỏi “Em ở điểm bản này mấy năm rồi?”
Cô thành thật “Em đi bản xa được 3 năm rồi”
Mình tiếp tục: “Sao các cô không thay nhau đi à?”
Cô cười tươi “Mình còn trẻ, còn sức khoẻ, với em lại đi bản quen hơn các cô giáo khác. Nhiều cô không đi được bản xa nguy hiểm này nên em vẫn tình nguyện lên đây chị ạ” Em thật lòng chia sẻ.
Cũng vì cái suy nghĩ đó, vì cái lý tưởng phụng sự đó mà cô giáo dành cả thanh xuân tươi đẹp của mình ở nơi heo hút này, ánh sáng của điện chưa có nhưng ánh sáng của người lái đò, người đưa tri thức đến với những đứa trẻ nghèo lấp lánh trong từng câu chữ cô nói.
Mình ngồi với cô giáo đến 3h chiều thì cô giáo hối mình đi về “Chị về đi, để em đưa chị ra đường lớn, về chứ không một chút xíu nữa trời sụp tối là không thấy đường đi đâu, nguy hiểm lắm chị ơi.”
Cô đưa mình xuống núi, đi được một lúc thì trời tối sầm, bóng đêm dần bao trùm cả không gian. Mới 5h30 mà không nhìn thấy đường vì trời mưa phùn, gió rét. Mình không biết tả thế nào để mọi người có thể cảm nhận được sự nguy hiểm của con đường ấy. Đến một dốc cua cô bảo: “Chị xuống kéo giúp em cái xe”. Tôi kéo đằng sau, cô ghì chặt hai tay lái và dùng hai chân vừa đẩy vừa nhích xe lên từng chút một.
Cô kể “Có lần em đi đến cái dốc này trơn quá xe lao luôn ào xuống vực, em tưởng kiếp mình đến đây là hết. May thay thân em va vào một gốc cây và nằm đó. Gần một tiếng đồng hồ sau mới có người đi ngang qua, họ kéo em lên dùm. Lúc này em mới biết mình còn sống chị ạ.”
Nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi vì thương em, vì khâm phục nghị lực phi thường của cô giáo trẻ vùng cao. Cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, rời xa gia đình, xa những thứ tươi đẹp của tuổi đôi mươi để chọn làm bạn với núi rừng, với những em bé thơ.
Năm nay, cô giáo đã được luân chuyển đi điểm trường mới, 2 cô giáo trẻ khác thay em phụ trách điểm trường này. Nhưng rồi cái nghèo, cái khó nơi vùng cao vẫn còn đó, các cô giáo lại tiếp tục thay phiên nhau gieo từng hạt mầm tri thức giữa nơi núi rừng hẻo lánh này.
P/S: Ảnh điểm trường, đường vào trường, ảnh phòng ngủ của cô giáo và khoảnh khắc các cô vui mừng bắt được sóng điện thoại, nhận tin từ người thân.